Tin tức - Hoạt động

75 năm Chiến thắng vĩ đại và tiếp tục câu chuyện những người Việt Nam chiến đấu bảo vệ Moskva

Hình thức, phương thức chuẩn bị và tiến hành có thay đổi do dịch bệnh covid-19, nhưng hoạt động kỷ niệm 75 năm Chiến thắng trong Cuộc chiến tranh Giữ nước Vĩ đại (1945 - 2020) ở Liên bang Nga vẫn là những hoạt động nổi bật nhất trong năm nay, được Nhà nước và toàn dân hết sức coi trọng.

Như chúng ta đã biết, có những chiến sĩ Hồng quân Xô-viết người Việt Nam đã tham gia Cuộc chiến tranh giữ nước Vĩ đại 1941 – 1945, đặc biệt là tham gia chiến đấu bảo vệ thủ đô Moskva cuối năm 1941. Trong điện mừng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi Tổng thống Nga V. Putin nhân dịp kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Nga có đoạn viết: “Trong gần một thế kỷ qua, nhân dân hai nước đã luôn đồng hành, sát cánh cùng nhau, từ trận chiến bảo vệ Moskva mùa đông năm 1941 đến cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam, cũng như sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước sau này”.

 Năm chiến sĩ Hồng quân người Việt Nam đã được vinh danh

Nhờ những nỗ lực tìm tòi không mệt mỏi, dày công sưu tầm, nghiên cứu của các nhà sử học, nhà báo Nga, có sự phối hợp của Hội Hữu nghị Xô-Việt và Việt-Xô trước đây cũng như nhiều cơ quan, tổ chức khác của hai nước Việt Nam và Liên Xô, danh tính những người Việt Nam chiến đấu bảo vệ Moskva năm 1941 đã được xác định vào đầu những năm 80 của Thế kỷ trước. Báo chí Liên Xô/Nga và Việt Nam đã có nhiều bài viết về chủ đề này.

Một phần trong những tượng đài tôn vinh cuộc chiến đấu bảo vệ Moskva năm 1941 ở ngoại ô thủ đô LB Nga

Một phần trong những tượng đài tôn vinh cuộc chiến đấu bảo vệ Moskva năm 1941 ở ngoại ô thủ đô LB Nga

Ngày 12/12/1986, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô-viết tối cao Liên Xô ra Sắc lệnh truy tặng năm chiến sĩ người Việt đã xác minh được là Vương Thúc Tình, Lý Thúc Chất, Lý Nam Thanh, Lý Anh Tạo và Lý Phú San Huân chương Chiến tranh giữ nước Hạng nhất. Huân chương này ghi nhận các chiến sĩ đã thể hiện “lòng dũng cảm trong các trận chiến đấu chống bọn xâm lược Đức phát-xít để bảo vệ Moskva”. Ngoài ra, họ còn được truy tặng Huy chương Vinh danh 40 năm Chiến thắng.

Trong số năm người nói trên, ba người là Lý Nam Thanh, Lý Anh Tạo và Lý Thúc Chất anh dũng hi sinh trong trận đánh ở cửa ngõ thủ đô Moskva tháng 12/1941. Ông Lý Phú San không tham gia chiến đấu mà làm công tác hậu cần tại quân y viện Moskva trong những ngày thủ đô Liên Xô bị phát-xít Đức bao vây. 

Bản sao chụp Sắc lệnh của Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô-viết tối cao Liên Xô truy tặng 5 chiến sĩ Việt Nam Huân chương

Bản sao chụp Sắc lệnh của Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô-viết tối cao Liên Xô truy tặng 5 chiến sĩ Việt Nam Huân chương

Chiến sĩ Vương Thúc Tình, còn có tên khác là Vương Thúc Liên và Vương Sĩ, sinh ở Kim Liên, Nghệ An; năm 1925 gia nhập tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí hội do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập.

Về cái chết của Vương Thúc Tình, có giả thuyết rằng, cũng giống như hàng loạt nhà cách mạng của các nước châu Á lúc đó đang bị quân phiệt Nhật Bản chiếm đóng, Vương Thúc Tình từ Liên Xô được cử về nước hoạt động. Nhiệm vụ được giao là thúc đẩy phát triển phong trào cách mạng ở Việt Nam. Nhưng trên đường dài trở về Tổ quốc, cuối năm 1942 Vương Thúc Tình đã bị quân Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch bắn chết.

mos2

Lý Anh Tạo là tên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt cho chiến sĩ Hoàng Anh Tô. Ông sinh năm 1912 tại thôn Hoàng Trù, Kim Liên. Cha ông, ông Hoàng Hinh, mất sớm. Hoàng Anh Tô được nuôi dạy trong gia đình người chú là ông Hoàng Xuân Tống. Năm 12 tuổi, Lý Anh Tạo được làm quen với công tác cách mạng.

Người thứ ba là ông Nguyễn Sinh Thân, được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên là Lý Nam Thanh, sinh năm 1908 tại làng Sen, Kim Liên. Cha ông là ông Nguyễn Sinh Ly, hy sinh trong cuộc đấu tranh cách mạng chống thực dân Pháp. Anh cả của Lý Nam Thanh là Nguyễn Sinh Diễn, từng là Phó bí thư Tỉnh ủy bí mật Nghệ An, tích cực tham gia phong trào Xô-Viết Nghệ Tĩnh.

Lý Thúc Chất là tên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt cho ông Vương Thúc Thoại, sinh năm 1911 cũng ở Kim Liên. Cha ông tên là Vương Thúc Đàm, Huyện ủy viên Nam Đàn, năm 1930 bị thực dân Pháp bắt tù chung thân. Lý Thúc Chất còn em trai út là Vương Thúc Sâm sinh năm 1920. Theo hồi tưởng của ông Sâm, vào khoảng năm 1938 hoặc 1939 gia đình có nhận được một lá thư của Lý Thúc Chất và đoán rằng ông đang ở nước Nga xa xôi vì lá thư được gửi đi từ đó.

Về ông Lý Phú San: sau khi phát-xít Đức đại bại ở Moskva, do sức khỏe yếu nên ông Lý Phú San được đưa về hậu phương. Ông đã làm việc tại Sverdlovsk trong xí nghiệp sản xuất vũ khí cho tiền tuyến. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Việt Nam được giải phóng, năm 1956 ông Lý Phú San trở về Hà Nội, làm việc tại công trình xây dựng đài phát thanh Mễ Trì với sự giúp đỡ của Liên Xô. Sau đó, ông làm nhân viên Đại sứ quán Liên Xô ở Hà Nội. Ông qua đời năm 1980, thọ 80 tuổi. Con gái ông Lý Phú San là chị Lê Thị Phượng đã mang hài cốt cha mình sang an táng tại một nghĩa trang của thủ đô Moskva, mảnh đất mà ông đã từng tham gia bảo vệ trước cuộc tiến công của Đức Quốc xã.

Ngoài năm chiến sĩ đã được xác minh, được Nhà nước Liên Xô ghi công, các nhà nghiên cứu, nhà báo Nga - trước hết phải kể đến nhà báo Aleksei Syunnenberg của Đài tiếng nói nước Nga - cuối năm 2014 đã công bố thêm danh tính hai chiến sĩ Hồng quân người Việt nữa là Lý Văn Minh và Lý Chí Thông.

 Để vinh danh thêm hai chiến sĩ Việt Nam

Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Chiến thắng trong Cuộc chiến tranh giữ nước Vĩ đại (9/5/1945 – 9/5/2020), Đại sứ quán LB Nga tại Việt Nam đã quan tâm việc xác minh thêm thông tin về hai chiến sĩ Việt Nam đã tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ Moskva chưa được Nhà nước Nga chính thức ghi công như năm người đề cập ở trên.

Ngày 14/2/2020, trong buổi làm việc với Tổng thư ký Hội Hữu nghị Việt-Nga, Trợ lý Tùy viên Quốc phòng LB Nga tại Việt Nam đã chia sẻ một số thông tin về hoạt động kỷ niệm 75 năm Chiến thắng ở Nga và đề nghị Hội Hữu nghị Việt-Nga cũng như các cơ quan, tổ chức hữu quan của Việt Nam phối hợp tìm kiếm thêm thông tin liên quan các chiến sĩ Hồng quân Liên Xô người Việt Nam, đặc biệt hai chiến sĩ Lý Văn Minh và Lý Chí Thông ở Thanh Hóa và Hà Tĩnh. Đại diện Nga cho biết, ở ngoại ô Moskva hiện xây dựng một Khu bảo tàng Chiến thắng hoành tráng – một hạng mục trong chương trình kỷ niệm 75 năm Chiến thắng. LB Nga mong muốn có phần trưng bày nổi bật, trang trọng, giới thiệu được đầy đủ các chiến sĩ Việt Nam đã tham gia Cuộc chiến tranh giữ nước Vĩ đại. Đồng thời, nếu thân nhân những chiến sĩ này còn sống, nếu điều kiện chủ quan, khách quan cho phép thì LB Nga sẽ mời họ sang Moskva trong dịp lễ kỷ niệm, tham dự cuộc duyệt binh mừng Chiến thắng trên Quảng trường Đỏ.

Hội Hữu nghị Việt-Nga đã lập tức triển khai những công việc cần thiết theo hướng này.

CV gui Hoi Viet-Nga tinh Thanh Hoa_001

Ngày 20/2/2020, ông Trần Bình Minh, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Nga, đã gửi Công văn tới Hội Hữu nghị Việt-Nga tỉnh Thanh Hóa và Hà Tĩnh đề nghị hai Hội liên hệ các cơ quan hữu quan tại địa phương tìm hiểu, xác minh thông tin và nếu có thể, gặp gỡ thân nhân của hai chiến sĩ Lý Văn Minh (theo tài liệu của phía Nga là Динь Тионг Лонг, псевдоним Ли Ван Минь) và Lý Chí Thông (theo tài liệu của phía Nga là Ле Хонг Шон, псевдоним Ли Ти Тхонг), sau đó báo cáo về Trung ương Hội để có cơ sở hồi đáp thiện ý của Đại sứ quán LB Nga.

Cả hai Hội Hữu nghị Việt-Nga Thanh Hóa và Hà Tĩnh đã khẩn trương báo cáo lãnh đạo tỉnh, tiến hành những buổi làm việc với các cơ quan chức năng, đi về địa phương quê hương, nơi sinh của hai chiến sĩ; tìm hiểu tư liệu, tài liệu tại bảo tàng lịch sử cách mạng ở địa phương… Kết quả, hai Hội đã thu thập được một số thông tin đáng chú ý.

Trong báo cáo gửi Trung ương Hội ngày 3/3/2020, Hội Hữu nghị Việt-Nga tỉnh Thanh Hóa cho biết: nhân vật Đinh Chương Long (tiếng Nga là Динь Тионг Лонг) đã được nói đến trong cuốn "Địa chí Hậu Lộc" (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa), tái bản lần thứ nhất năm 2018 dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy Hậu Lộc; và một số sách báo khác, như cuốn “Hậu Lộc. Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng. Những sự kiện lịch sử” do Ban chấp hành Huyện ủy Hậu Lộc biên soạn năm 1977.

Hai trong số những cuốn sách nói đến nhân vật Đinh Chương Dương

Hai trong số những cuốn sách nói đến nhân vật Đinh Chương Dương

Theo Huyện ủy Hậu Lộc (Công văn số 626 – CV/HU ngày 3/3/2020 gửi Hội Hữu nghị Việt-Nga tỉnh Thanh Hóa), ông Đinh Chương Long sinh ngày 1/5/1912, là con trai đầu của nhà cách mạng Đinh Chương Dương và bà Nguyễn Thị Muội, quê ở xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc. Năm 1924, khi mới 12 tuổi, Đinh Chương Long được cha đưa sang Quảng Châu (Trung Quốc) cùng với một số thanh, thiếu nhiên khác để học làm cách mạng. Cuối năm 1924, ông được cử sang Thái Lan học ở trường Hoa Anh học liệu. Năm 1926, Nguyễn Ái Quốc (đang hoạt động với bí danh là Lý Thụy) đã cử ông Hồ Tùng Mậu sang Thái Lan chọn một số thiếu niên con em các gia đình yêu nước đưa sang Quảng Châu đào tạo nhằm chuẩn bị cho việc xây dựng tổ chức Thanh niên Cộng sản Đoàn. Năm 1927, Đinh Chương Long (vì nguyên tắc bí mật mang bí danh Lý Văn Minh) là một trong số tám thiếu niên được chọn cử đi học tập ở Trung Quốc. Năm 1929, Đinh Chương Long được kết nạp vào Đoàn, sau đó được cử sang Thái Lan hoạt động. Đang hoạt động thì bị chính quyền Thái Lan bắt, cầm tù. Năm 1938, ông và một số người tổ chức vượt ngục, tiếp tục hoạt động và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Ông trở lại Quảng Châu và là một trong số 11 người được Nguyễn Ái Quốc cử sang học tập tại Trường Đại học Phương Đông Liên Xô. Năm 1941,  Đinh Chương Long và các học viên của trường tình nguyện ra mặt trận chiến đấu bảo vệ Moskva. Ông hy sinh ở Moskva.

Ủy ban Nhân dân xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc, cũng đã có công văn xác nhận hậu duệ của ông Đinh Chương Long là ông Đinh trọng Thành, sinh năm 1953, cháu ruột gọi ông Đinh Chương Long là bác, hiện đang sinh sống tại Hà Nội.

Công văn của hai Hội Hữu nghị Việt-Nga tỉnh Thanh Hóa và Hà Tĩnh báo cáo Trung ương Hội

Công văn của hai Hội Hữu nghị Việt-Nga tỉnh Thanh Hóa và Hà Tĩnh báo cáo Trung ương Hội

Về phía Hội Hữu nghị Việt-Nga tỉnh Hà Tĩnh, ngày 21/3/2020 Hội đã gửi Công văn báo cáo Trung ương Hội những công việc đã được tiến hành nhằm tìm hiểu, xác minh nhân vật Ngô Trí Thông, bí danh Lý Trí Thông (theo tài liệu của phía Nga là Ле Хонг Шон, bí danh Ли Ти Тхонг).

Theo Hội Hữu nghị Việt-Nga tỉnh Hà Tĩnh, Ngô Trí Thông là con trai của ông Ngô Cựu Tuấn, anh trai của Ngô Hậu Đức (bí danh Lý Phương Đức) – anh nuôi của Anh hùng Lý Tự Trọng.

Ông Ngô Cựu Tuấn và ông Lê Hữu Đạt (cha của Anh hùng Lý Tự Trọng, tên thật là Lê Văn Trọng) đều là người đồng hương, đồng đội, sinh tại làng Thạch Minh, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Họ là những người hoạt động cách mạng trong tổ chức Việt Nam Quang Phục hội, bị thực dân Pháp truy lùng nên được tổ chức đưa sang Bản Mạy, thuộc vùng Đông Bắc Thái Lan để cư trú bảo toàn lực lượng và hoạt động cách mạng.

Ông Ngô Trí Thông, bí danh Lý Trí Thông (Ли Ти Тхонг) sinh năm 1910 ở làng Thạch Minh, huyện Thạch Hà. Năm 1927, ông thuộc nhóm thanh niên cách mạng được Nguyễn Ái Quốc cử đi học ở Trung Quốc, sau năm 1929 thì học ở Liên Xô; mùa Đông năm 1941 tham gia chiến đấu bảo vệ Moskva và ông đã anh dũng hy sinh tại đây.

Các tài liệu lưu giữ ở Phòng truyền thống của Khu tưởng niệm Anh hùng Lý Tự Trọng thuộc địa phận xã Thạch Minh, huyện Thạch Hà cho thấy: cha của ông Ngô Trí Thông là  ông Ngô Cựu Tuấn và em gái của Ngô Trí Thông là bà Ngô Hậu Đức đều đã chết. Ông Ngô Trí Thông không còn thân nhân kế nghiệp.

 Các hoạt động kỷ niệm 75 năm Chiến thắng ở LB Nga

Ở thời điểm còn cách Ngày Chiến thắng 9/5 đúng một tháng, dịch bệnh covid-19 vẫn diễn biến rất phức tại tại LB Nga và nhiều nước khác trên thế giới. Ngày 9/4/2020, ở Nga đã có trên 10 nghìn người nhiễm virus, trong đó có 74 người chết, hơn 600 người được điều trị khỏi bệnh. Theo những thông tin chính thức của LB Nga, kế hoạch tổ chức duyệt binh và các hoạt động trọng thể kỷ niệm Ngày Chiến thắng vẫn chưa thay đổi. Tuy nhiên, hiện tại các đơn vị quân đội tham gia tập luyện để tham gia cuộc duyệt binh dự kiến vào ngày 9/5/2020 đang áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng chống covid-19.

Ngày 8/7/2019, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký Sắc lệnh xác định năm 2020 tại Liên bang Nga là Năm Tưởng nhớ và Vinh danh để gìn giữ những ký ức lịch sử gắn liền với Cuộc chiến tranh Giữ nước Vĩ đại 1941 – 1945 và Chiến thắng trong cuộc chiến tranh đó.

Cuộc tuần hành

Cuộc tuần hành "Binh đoàn bất tử" nhân kỷ niệm Ngày Chiến thắng ở Moskva

Ý nghĩa to lớn của hoạt động kỷ niệm 75 năm Chiến thắng đã nhiều lần được Tổng thống Nga V. Putin nhấn mạnh. Trong cuộc họp báo dành cho truyền thông Nga và quốc tế cuối năm 2019, ông Putin đã khẳng định rằng trong năm 2020, sự kiện quan trọng hàng đầu của LB Nga là kỷ niệm Ngày Chiến thắng 9 tháng 5.

Trong Thông điệp liên bang ngày 15/1/2020, Tổng thống V. Putin khẳng định: “Đối với nước Nga, Ngày Chiến thắng 9 tháng 5 là ngày lễ vĩ đại nhất, thiêng liêng nhất. Chúng ta kỷ niệm ngày lễ đó không chỉ nhằm thể hiện sự tôn trọng quá khứ lịch sử mà còn hành động vì tương lai của chúng ta, ngày lễ này củng cố khối thống nhất của chúng ta. Chúng ta phải bảo vệ sự thật về Chiến thắng. Chúng ta sẽ nói gì với con cháu mình khi những điều giả dối về cuộc chiến đang lan truyền khắp thế giới như một bệnh dịch. Chúng ta sẽ dùng sự thật để chống lại những luận điệu dối trá trắng trợn và những mưu đồ viết lại lịch sử”.

Trả lời phỏng vấn thông tấn xã TASS đầu năm 2020 nhân dịp tròn 20 năm giữ cương vị lãnh đạo LB Nga, khi được hỏi liệu việc các nhà lãnh đạo nước ngoài đến Nga tham dự lễ kỷ niệm 75 năm Chiến thắng có quan trọng thiết yếu hay không, Tổng thống V. Putin khẳng định: “Điều đó không thật quan trọng, bởi đây là ngày lễ của chúng ta. Tôi nghĩ rằng, đối với các cựu đồng minh của chúng ta trong liên minh chống phát-xít, đến dự lễ kỷ niệm với chúng ta là cách hành xử đúng đắn xét về phương diện chính trị nội bộ cũng như về đạo lý. Chúng ta trông đợi và sẽ vui mừng chào đón họ đến dự. Nhưng nếu họ không đến thì đó là sự lựa chọn của họ và tôi nghĩ  đó sẽ là sai lầm của họ”.

                                                                                      ĐỨC HÀ

Dòng sự kiện

Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn
Về khu tưởng niệm chiến tranh ở Kha-tưn, Cộng hòa Bê-la-rút.
THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI
Ngày Chiến thắng 9 tháng 5 rất đỗi thiêng liêng với mọi người dân Liên bang Nga.