Chính trị

Bước mới trong tiến trình sửa đổi Hiến pháp LB Nga

Ngày 14/3/2020, tại LB Nga, tiến trình sửa đổi Hiến pháp được khởi đầu từ Thông điệp liên bang của Tổng thống Vladimir Putin ngày 15/1/2020 đã chuyển sang bước mới khi Tòa án Hiến pháp bắt đầu thẩm định liệu những đề xuất sửa đổi có hợp hiến hay không.

Tòa án Hiến pháp LB Nga bắt đầu xem xét, đánh giá những đề xuất mới sửa đổi Hiến pháp sau khi Tổng thống V.Putin có văn bản đề nghị Tòa xem xét tính hợp hiến của Luật về sửa đổi Hiến pháp.

Luật này, tên gọi chính thức là Luật “Hoàn thiện việc giải quyết một số vấn đề về tổ chức và hoạt động công quyền”, được Duma Quốc gia Nga thông qua ngày 11/3/2020. Cùng ngày, Luật được Hội đồng Liên bang Nga chấp thuận. Sau đó Luật được chuyển cho cơ quan lập pháp của các chủ thể liên bang (đơn vị hành chính trực thuộc chính quyền liên bang) xem xét. Tất cả những cơ quan lập pháp này đều nhất trí tán thành. Tiếp đó, Hội đồng Liên bang Nga thông qua Nghị quyết về kết quả quá trình xem xét Luật. Và Tổng thống V. Putin đã ký phê chuẩn Luật, đồng thời yêu cầu Tòa án Hiến pháp đưa ra đánh giá về tính hợp hiến của Luật.

Tổng thống V.Putin phát biểu tại Duma Quốc gia Quốc hội liên bang Nga ngày 11/3/2020

Tổng thống V.Putin phát biểu tại Duma Quốc gia Quốc hội liên bang Nga ngày 11/3/2020

Tòa án Hiến pháp xem xét, thẩm định Luật trong thời gian 7 ngày. Nếu Tòa án Hiến pháp phán quyết Luật phù hợp Hiến pháp hiện hành thì Tổng thống Nga sẽ ký Sắc lệnh về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân, thực chất là một cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi Hiến pháp, vào ngày 22/4/2020. Nếu đa số cử tri Nga ủng hộ Luật, Tổng thống V. Putin sẽ ký Sắc lệnh đưa những nội dung sửa đổi vào Hiến pháp hiện hành và bản Hiến pháp sẽ có hiệu lực.

Theo Luật trên, Hiến pháp được sửa đổi sẽ thể chế hóa một loạt biện pháp bảo đảm xã hội; tăng thêm quyền lực của Quốc hội; quy định những hạn chế đối với những người giữ trọng trách nhà nước… Nội dung sửa đổi Điều 81 của Hiến pháp quy định một người không được giữ chức Tổng thống quá hai nhiệm kỳ, nhưng người đã hoặc đang giữ chức Tổng thống tại thời điểm sửa đổi đó có hiệu lực vẫn có khả năng giữ chức Tổng thống Liên bang Nga trong thời hạn điều khoản này quy định.

Hội đồng Liên bang Quốc hội liên bang Nga

Hội đồng Liên bang Quốc hội liên bang Nga

Các giới phân tích Nga và quốc tế đều cho rằng, điểm sửa đổi này của Điều 81 vốn do nữ nghị sĩ Duma Quốc gia Valentina Tereshkova đề xuất là nhằm tạo điều kiện cho Tổng thống V.Putin có thể tái tranh cử sau khi ông kết thúc nhiệm kỳ hiện nay vào năm 2024. Ông V. Putin đang giữ chức Tổng thống nhiệm kỳ thứ hai liên tiếp, nhưng là "đợt 2", vì trước đây ông cũng giữ chức Tổng thống hai nhiệm kỳ liên tục từ năm 2000 đến 2008. Ông V. Putin đã làm Thủ tướng Chính phủ trong nhiệm kỳ ông Dmitry Medvedev làm Tổng thống (2008-2012).

                                                                                                                                                      ĐỨC HÀ

Dòng sự kiện

Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn
Về khu tưởng niệm chiến tranh ở Kha-tưn, Cộng hòa Bê-la-rút.
THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI
Ngày Chiến thắng 9 tháng 5 rất đỗi thiêng liêng với mọi người dân Liên bang Nga.