Tin tức - Hoạt động

DIỄN VĂN CỦA ĐỒNG CHÍ TRẦN BÌNH MINH, CHỦ TỊCH HỘI HỮU NGHỊ VIỆT NAM - LB NGA

Ngày 27/6/2020, tại Lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Hội Hữu nghị Việt-Xô/Ngày truyền thống Hội Hữu nghị Việt-Nga (23/5/1950-23/5/2020), đồng chí Trần Bình Minh - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt-Nam, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Nga - đã đọc Diễn văn kỷ niệm. Sau đây là toàn văn bài Diễn văn.

Kính thưa đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên BCH TƯ Đảng, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam!

Kính thưa Ngài Konstantin Vnukov, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam!

Kính thưa các vị khách quý!

Kính thưa các đồng chí và các bạn!

Hôm nay chúng ta họp mặt tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, một công trình được xây dựng với sự giúp đỡ kỹ thuật của Liên Xô, để kỷ niệm trọng thể lần thứ 70 ngày thành lập Hội Hữu nghị Việt-Xô/Ngày truyền thống Hội Hữu nghị Việt-Nga (23/5/1950 - 23/5/2015). Thay mặt Ban chấp hành Trung ương Hội hữu nghị Việt-Nga, tôi nhiệt liệt chào mừng và chân thành cảm ơn Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước; Ngài Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam Konstantin Vasilevich Vnukov; đại diện Liên hiệp các tổ chức hữu nghị; các ban, ngành Trung ương và Hà Nội, đã đến tham dự buổi lễ.

Tôi xin nồng nhiệt chúc mừng các vị lão thành của Hội Hữu nghị Việt-Xô/Việt-Nga, toàn thể hội viên Hội Hữu nghị Việt-Nga, đại diện các Hội Hữu nghị với các nước thuộc Liên Xô trước đây và toàn thể các vị đại biểu nhân ngày kỷ niệm vẻ vang này!

Kính thưa các vị khách quý!

Kính thưa các đồng chí và các bạn!

70 năm trước, gần 4 tháng sau khi Việt Nam và Liên Xô chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 30 tháng 1 năm 1950, Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên Xô ra đời trong bối cảnh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã giành được độc lập và đang tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược. Ngay từ những năm đầu của nước Cộng hòa non trẻ, công tác đối ngoại nhân dân đã được Đảng và Bác Hồ chăm lo xây dựng. Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên Xô được thành lập ngày 23/5/1950 là sự kiện quan trọng đánh dấu mốc son lịch sử trong quan hệ hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Liên Xô. Chủ tịch đầu tiên của Hội là đồng chí Tôn Đức Thắng, một trong những lãnh tụ xuất sắc của cách mạng Việt Nam, người đồng chí, cộng sự gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và là người trực tiếp gắn bó với nước Nga khi tham gia cuộc binh biến trên chiến hạm Pháp ở Biển Đen vào năm 1919 để phản đối cuộc can thiệp của các nước đế quốc chống nước Nga Xô-viết non trẻ.

Trong sự nghiệp kháng chiến, cứu nước của nhân dân ta, Hội Hữu nghị Việt-Xô đã tích cực vận động dư luận, tranh thủ sự ủng hộ và viện trợ của nhân dân Liên Xô. Hội Hữu nghị Việt-Xô phối hợp chặt chẽ với Hội Hữu nghị Xô-Việt trong việc tổ chức các phong trào đoàn kết, ủng hộ Việt Nam ở Liên Xô, tại các nước xã hội chủ nghĩa và trên thế giới. Thông qua Ủy ban đoàn kết Á-Phi-Mỹ Latinh, Ủy ban Hòa bình toàn Liên Xô, Ủy ban Hòa bình toàn Nga, Quỹ Hòa bình Mát-xcơ-va…, Hội Hữu nghị Việt-Xô tổ chức nhiều hoạt động hòa bình, đoàn kết, kêu gọi nhân dân các nước quyên góp thuốc men, lương thực, hàng tiêu dùng… giúp đỡ Việt Nam.

Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Nga Trần Bình Minh đọc Diễn văn tại Lễ kỷ niệm  Ảnh: TIẾN DŨNG

Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Nga Trần Bình Minh đọc Diễn văn tại Lễ kỷ niệm Ảnh: TIẾN DŨNG

Sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước ta thống nhất, Hội Hữu nghị Việt-Xô tiếp tục làm cầu nối tiếp nhận sự giúp đỡ của Liên Xô dành cho công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và phát triển đất nước trong những điều kiện mới.

Hội Hữu nghị Việt-Xô đã có nhiều đóng góp vào hoạt động thông tin, tuyên truyền, giới thiệu về Liên Xô; khơi dậy, bồi đắp tình cảm của nhân dân Việt Nam với quê hương Lê-nin và Cách mạng Tháng Mười vĩ đại thông qua những cuộc triển lãm tranh ảnh, sách báo, thi tìm hiểu về Liên Xô, các phong trào thi đua hữu nghị trên những công trình mang đậm dấu ấn hữu nghị Việt-Xô như thủy điện Hòa Bình, Trị An, Liên doanh dầu khí Vietsovpetro.

Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, trên cơ sở kế thừa tổ chức, kinh nghiệm hoạt động và mục tiêu, nhiệm vụ của Hội Hữu nghị Việt-Xô, Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga được thành lập ngày 19/12/1994. Bước vào giai đoạn mới của quan hệ Việt-Nga sau khi hai nước ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị (ngày 16 tháng 6 năm 1994), Hội Hữu nghị Việt-Nga đổi mới phương thức hoạt động, triển khai những chương trình thiết thực, góp phần phát triển, nâng tầm quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa nhân dân hai nước.

Hoạt động của Hội Hữu nghị Việt-Nga được triển khai theo những định hướng lớn là củng cố, phát triển tổ chức hội ở các địa phương và các cơ quan, đơn vị; đẩy mạnh xã hội hóa, tạo nguồn lực cần thiết cho hoạt động hội; thực hiện những chương trình hành động phong phú và cụ thể, đặc biệt là những hoạt động góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại; du lịch; giáo dục - đào tạo; khoa học - công nghệ giữa Việt Nam và LB Nga; thu hút giới trẻ quan tâm và tham gia hoạt động hội, nâng cao hiểu biết về truyền thống và tiềm năng quan hệ Việt-Nga.

Kính thưa các vị khách quý!

Kính thưa các đồng chí và các bạn!

Nhìn lại chặng đường 70 năm hình thành, phát triển và hoạt động của Hội Hữu nghị Việt-Xô/Hội Hữu nghị Việt-Nga, có thể nêu ra một số đặc điểm nổi bật có ý nghĩa như những những bài học quý cho việc tổ chức và bảo đảm hoạt động bền vững, mang lại kết quả tốt của một hội hữu nghị song phương ở nước ta.

Một là: Hội Hữu nghị Việt-Xô/Hội Hữu nghị Việt-Nga luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam quan tâm; Hội có vị thế xứng đáng trong xã hội Việt Nam. Cùng với việc chỉ đạo sát sao, cụ thể  đối với định hướng hoạt động hội, các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam đã trực tiếp tham dự nhiều sự kiện quan trọng của Hội Hữu nghị Việt-Xô. Nhiều cán bộ cấp cao, như các ông Nguyễn Văn Kỉnh, Xuân Thủy, Nguyễn Vịnh, Đặng Hữu… đã giữ cương vị Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Xô.

Hai là: Rất đông đảo hội viên và những người yêu mến đất nước Xô-viết và xứ sở Bạch Dương nhiệt tình, sôi nổi tham gia hoạt động hội. Đó là những người chân thành trân trọng tình hữu nghị trong sáng, sự giúp đỡ lẫn nhau và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Liên Xô/LB Nga. Hoạt động hội lan tỏa rộng khắp qua mạng lưới tổ chức vững mạnh ở các tỉnh, thành phố và các đơn vị, doanh nghiệp, trường học. Năm 1987, Hội Hữu nghị Việt-Xô đã thành lập tại 36 tỉnh, thành phố, đặc khu; gần một nghìn chi hội lập ra ở các cơ quan, xí nghiệp, trường học, hợp tác xã...  Hiện nay, Hội Hữu nghị Việt-Nga có 35 Hội tại các tỉnh, thành phố và 14 Chi hội trực thuộc Trung ương, trong đó 2 Chi hội mới thành lâp năm 2020 là Chi hội Hữu nghị Việt-Nga Đại học quốc gia Hà Nội và Chi hội Hữu nghị Việt-Nga Bộ Công an. Bên cạnh việc thực hiện chương trình, kế hoạch công tác do Trung ương Hội đề ra, Hội Hữu nghị Việt-Nga địa phương và các Chi hội phát huy tính chủ động, sáng tạo trong việc triển khai hoạt động đa dạng, góp phần vào việc gìn giữ và tăng cường tình cảm hữu nghị, thúc đẩy sự hợp tác Việt-Nga đi vào chiều sâu.

Ba là: Công tác xã hội hóa hoạt động hội được chú trọng. Hội Hữu nghị Việt-Nga nhận được sự giúp đỡ của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân, tạo được nguồn kinh phí xã hội hóa bảo đảm cho hoạt động cơ bản hàng năm và một số hoạt động đột xuất. Từ nguồn kinh phí xã hội hóa, trong những năm qua Hội Hữu nghị Việt-Nga đã thực hiện nhiều dự án có ý nghĩa lớn, như phối hợp Hội Hữu nghị Nga-Việt và một số tổ chức, đơn vị xây dựng Tượng đài Anh hùng, nhà du hành vũ trụ Ghéc-man Ti-tốp, cố Chủ tịch Hội Hữu nghị Xô-Việt và Nga-Việt, trên đảo mang tên ông ở Vịnh Hạ Long; tổ chức các cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi quốc tế “Em vẽ Việt Nam - Em vẽ nước Nga”; dịch và xuất bản bằng tiếng Việt sách về tình cảm của người Nga với Chủ tịch Hồ Chí Minh, về Chiến tranh giữ nước vĩ đại của nhân dân Liên Xô; dịch Truyện Kiều ra tiếng Nga; phối hợp Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc gặp gỡ đầy xúc động «Thầy trò Xô-Việt», các chương trình nghệ thuật kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười, Ngày Chiến thắng, Quốc khánh Nga và nhân những sự kiện đáng nhớ trong quan hệ hữu nghị Việt-Nga, thu hút sự quan tâm của dư luận rộng rãi.

Bốn là: Công tác truyền thông về Hội và về quan hệ Việt-Nga được đẩy mạnh. Để thông tin rộng rãi hoạt động hội, góp phần nâng cao hiểu biết của dư luận Việt Nam về nước bạn, gìn giữ và tăng cường tình cảm hữu nghị với nhân dân Liên Xô/Nga, đồng thời góp phần vào công tác thông tin - tuyên truyền đối ngoại hướng vào dư luận Nga, Hội Hữu nghị Việt-Nga rất chú trọng công tác truyền thông. Hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, báo chí Việt Nam để những sự kiện lớn của Hội được phản ánh sâu rộng. Hội cũng phát triển đơn vị truyền thông chuyên trách của mình là tạp chí Bạch Dương và Trang thông tin điện tử tổng hợp.  

Năm là: Bảo đảm sự phối hợp hành động thường xuyên, chặt chẽ với Hội Hữu nghị Xô-Việt/Nga-Việt. Hội Hữu nghị của hai nước Việt Nam và Liên Xô/Liên bang Nga có sự hiểu biết nhau sâu sắc, triển khai hành động phối hợp nhịp nhàng, chia sẻ khó khăn, giúp đỡ nhau trên tinh thần anh em. Ở giai đoạn Xô-viết, Hội Hữu nghị Việt-Xô đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ vô tư, quý báu của Hội Hữu nghị Xô-Việt và nhân dân Liên Xô. Trong giai đoạn Liên bang Nga độc lập, Hội Hữu nghị hai nước  ký kết Thỏa thuận hợp tác theo từng thời kỳ 5 năm, tạo khuôn khổ phối hợp hành động giữa hai Hội. Cùng với đó, Hội Hữu nghị Việt-Nga và Hội Hữu nghị Nga-Việt chủ động đề ra những biện pháp bổ sung, sáng tạo để các hoạt động đoàn kết, hữu nghị có sức lan tỏa, mang lại hiệu quả thiết thực. Hiện nay, với việc thực hiện tốt đẹp Thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2016 - 2020 ký tại Hà Nội ngày 6/4/2015 trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Nga Đmi-tơ-ri Mét-vê-đép, Hội Hữu nghị Việt-Nga và Hội Hữu nghị Nga-Việt đang chuẩn bị ký kết Thỏa thuận hợp tác trong những năm 2020 - 2025 để tiếp tục định hướng hoạt động trong giai đoạn mới.

Một tiết mục văn nghệ chào mừng Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Hội Hữu nghị Việt-Nga.  Ảnh: TIẾN DŨNG

Một tiết mục văn nghệ chào mừng Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Hội Hữu nghị Việt-Nga. Ảnh: TIẾN DŨNG

 Với những hoạt động tích cực, chủ động, đa dạng và hiệu quả của mình, Hội Hữu nghị Việt-Xô/Việt-Nga cũng như nhiều cán bộ hội đã được Đảng, Nhà nước, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tuyên dương, khen thưởng. Nhiều cán bộ Hội được tặng phần thưởng cao quý của Liên Xô, LB Nga. Hội Hữu nghị Việt-Nga đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng nhì năm 2003, Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2015; được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2008. Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 70 ngày thành lập Hội Hữu nghị Việt-Xô/Ngày truyền thống Hội Hữu nghị Việt-Nga, Chủ tịch nước đã quyết định tặng Hội Hữu nghị Việt-Nga Huân chương Lao động hạng Nhì.

Kính thưa các vị khách quý!

Kính thưa các đồng chí và các bạn!

Những hoạt động và thành tựu của Hội có được là nhờ sự đóng góp công sức, trí tuệ và vật chất của toàn thể hội viên; sự ủng hộ, giúp đỡ của các cơ quan Đảng, Nhà nước, các địa phương cũng như các tập thể và cá nhân trân trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt-Nga. Nhân dịp này, cho phép tôi bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, cán bộ và nhân dân các địa phương trong cả nước, các thế hệ hội viên Hội Hữu nghị Việt-Xô/Việt-Nga về sự ủng hộ, giúp đỡ, phối hợp và những đóng góp quý báu cho hoạt động của Hội trong 70 năm qua.

Tôi cũng xin chân thành cảm ơn Đại sứ quán LB Nga tại Việt Nam, Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội, các cơ quan, tổ chức LB Nga tại Việt Nam và Hội Hữu nghị Nga-Việt về sự ủng hộ, phối hợp hành động chặt chẽ, hiệu quả với Hội Hữu nghị Việt-Nga trong những năm qua.

Thay mặt Trung ương Hội Hữu nghị Việt-Nga, tôi xin bày tỏ tin tưởng rằng, bằng hoạt động tích cực, phong phú của mình, Hội Hữu nghị Việt-Nga sẽ tiếp tục góp phần phát triển, tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, đáp ứng lợi ích của nhân dân Việt Nam và nhân dân LB Nga, phục vụ hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực cũng như trên toàn thế giới.

Xin trân trọng cảm ơn!

Dòng sự kiện

Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn
Về khu tưởng niệm chiến tranh ở Kha-tưn, Cộng hòa Bê-la-rút.
THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI
Ngày Chiến thắng 9 tháng 5 rất đỗi thiêng liêng với mọi người dân Liên bang Nga.