Tin tức - Hoạt động

LẠNG SƠN ĐÁNH THỨC TIỀM NĂNG DU LỊCH CỘNG ĐỒNG

Lạng Sơn là một tỉnh miền núi, biên giới nằm ở khu vực Đông Bắc của Việt Nam có nhiều lợi thế về sự kết hợp phong phú, hài hòa giữa vị trí địa lí, thiên nhiên, lịch sử và con người, phong cảnh hữu tình và thơ mộng, rất thuận lợi để phát triển ngành du lịch.

Lạng Sơn có tiềm năng và triển vọng phát triển các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch văn hóa tín ngưỡng; du lịch cửa khẩu biên giới, có nhiều địa danh nổi bật.

 Làng văn hóa du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn

Quỳnh Sơn là làng văn hóa du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn – địa danh lịch sử nổi tiếng của dân tộc Việt Nam gắn liền với nền văn hoá khảo cổ học Bắc Sơn rực rỡ. Chỉ cách trung tâm thành phố Lạng Sơn khoảng 80 km về phía Tây, làng Quỳnh Sơn có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp cùng với cuộc sống thanh bình và bề dày văn hóa truyền thống đang trở thành điểm đến lý tưởng cho các du khách muốn trải nghiệm bản sắc văn hóa bản địa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số. Làng văn hóa du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn hiện có hơn 400 hộ gia đình,  với khoảng 1.800 người chủ yếu là đồng bào người dân tộc Tày đã định cư sinh sống lâu đời trong những ngôi nhà được kiến trúc theo một không gian đồng nhất hết sức độc đáo, thoáng mát, hài hòa với thiên nhiên. Phần lớn các nếp nhà sàn truyền thống được lưu giữ có lối kiến trúc đặc trưng, mang đậm nét văn hóa của người dân tộc bản địa. Nhìn từ trên cao, làng Quỳnh Sơn tựa lưng vào dãy núi đá vôi trùng điệp trông ra cánh đồng lúa Bắc Sơn trù phú được tô điểm bởi dòng suối trong xanh uốn lượn, tất cả tạo nên một cảnh quan thiên nhiên vô cùng tươi đẹp, non nước hữu tình. Đặc biệt, vào thời điểm gieo trồng hoặc thu hoạch, những cánh đồng lúa trong thung lũng Bắc Sơn hiện ra như một bức thảm màu sắc thiên nhiên vô cùng sống động với màu của lúa non, lúa vàng trong sắc nắng và trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều nhiếp ảnh gia trong và ngoài nước tạo nên những tác phẩm nghệ thuật. Những nét hoang sơ, bình yên và thơ mộng là những gì du khách có thể cảm nhận được ngay khi đặt chân đến nơi đây. Hiện nay tại Quỳnh Sơn đã hình thành một số loại hình dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi và du lịch trải nghiệm trong không gian văn hóa truyền thống của người dân bản địa với các hoạt động sản xuất nông nghiệp như xay thóc, giã gạo, làm bánh... Ngoài ra, du khách cũng có thể khám phá các cảnh quan thiên nhiên gắn với lịch sử như đình làng Quỳnh Sơn - ngôi đình cổ kính gắn liền với lịch sử văn hóa lâu đời và đã được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh, trong khuôn viên đình làng còn có những cây đa, cây khế tuổi đời hàng trăm năm. Hằng năm vào dịp Lễ hội đình làng tổ chức vào ngày 12,13 tháng Giêng âm lịch cùng với những nghi lễ truyền thống đã thu hút được rất nhiều du khách đến tham quan.

2-Lang van hoa du lich Quynh son-b

Bên dòng suối trong xanh uốn lượn, những cánh đồng lúa xanh mướt của  xã Quỳnh Sơn là di tích cầu Rá Giềng, từ đây du khách cũng có thể trải nghiệm hoạt động leo núi lên trạm phát sóng Bưu điện của huyện Bắc Sơn, vượt qua hơn 500 bậc đá để chiêm ngưỡng không gian hùng vĩ của núi non đại ngàn ngắm nhìn những ngôi nhà sàn ẩn hiện bên cánh đồng lúa tốt tươi, màu mỡ. Đến với Quỳnh Sơn, du khách còn có thể đi tham quan một số điểm du lịch phụ cận như đi vào rừng gỗ nghiến nguyên sinh, quý hiếm được người dân bảo tồn nguyên vẹn trên núi đá vôi. Ngoài ra, du khách còn có thể trải nghiệm không gian mênh mông, rộng lớn của các hồ nước ngọt trong vùng như hồ Vũ Lăng, hồ Tam Hoa, cùng trải nghiệm bơi bè mảng, câu cá giải trí và thưởng thức các món ăn ẩm thực đặc sắc. Nếu quý khách đến Bắc Sơn vào mùa quýt chín (tháng 10, 11 âm lịch) có thể ghé thăm các lân, lũng - vườn quýt đặc sản vàng rực mọc sai trĩu cành, thỏa mái lựa chọn và mua về làm quà. Sau khi tham quan các điểm du lịch nổi tiếng trong vùng, du khách có thể nghỉ ngơi tại trong không gian ấm cúng của những ngôi nhà sàn truyền thống, tìm hiểu những nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của dân tộc Tày, Nùng qua các làn điệu hát Then đàn tính, thưởng thức đặc sản ẩm thực hấp dẫn như gà đồi kho gừng, cá suối, bánh chưng cẩm, bánh ngải…Những vẻ đẹp tự nhiên, thơ mộng, thanh bình cùng với sự thân thiện, hiền hòa hiếu khách của người dân nơi đây sẽ để lại ấn tượng tốt đẹp cho mỗi du khách để rồi lưu luyến muốn trở lại không chỉ một lần, Quỳnh Sơn hiện nay đã trở thành một trong những điểm du lịch sinh thái cộng đồng vô cùng hấp dẫn cho các du khách mỗi khi có dịp đến với  Xứ Lạng.

 Đình Lập – mảnh đất giàu tiềm năng phát triển nông, lâm nghiệp và du lịch sinh thái biên giới.

Đình Lập là huyện vùng cao biên giới ở phía Đông Nam tỉnh Lạng Sơn, cách trung tâm thành phố Lạng Sơn khoảng 55 km, có đường biên giới quốc gia chiều dài trên 40 km qua địa bàn và một cửa khẩu tiếp giáp với Trung Quốc. Huyện có hệ thống giao thông thuận lợi, nằm trên các tuyến đường kết nối giữa thành phố Lạng Sơn với tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Bắc Giang, do đó có nhiều điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh phát triển lĩnh vực kinh tế, thương mại, đặc biệt là kinh tế đồi rừng và loại hình du lịch sinh thái biên giới. Trên địa bàn huyện có hơn 7 dân tộc cùng làm ăn sinh sống gắn bó, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Dao, Kinh. Tuy là một huyện vùng cao, biên giới, kinh tế còn khó khăn, nhưng với sự nỗ lực của chính quyền và người dân nơi đây, những năm qua kinh tế - xã hội của huyện Đình Lập đã có những bước phát triển rõ rệt và dần trở thành điểm sáng về sự vươn lên mạnh mẽ, vượt qua những khó khăn và phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Huyện Đình Lập có diện tích đất tự nhiên và quỹ đất rừng lớn, là một trong những điều kiện thuận lợi để huyện tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế đồi rừng trở thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, tạo sinh kế giúp người dân thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng. Hằng năm, diện tích rừng trồng không ngừng được tăng lên, trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất lâm nghiệp tập trung và các vùng trồng cây dược liệu, chăn nuôi gia súc, gia cầm... đem lại nguồn thu và giá trị kinh tế cao.

Huyện Đình Lập đã từng bước xác định phương hướng phát triển các hoạt động du lịch trên địa bàn góp phần cùng cả nước phát triển ngành công nghiệp không khói có giá trị kinh tế cao, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Song song với việc thu hút du lịch văn hóa, tham quan các di tích lịch sử, tham dự các lễ hội truyền thống từ lâu đời, huyện đẩy mạnh xúc tiến các hoạt động du lịch khám phá mới mẻ nhằm thu hút sự quan tâm, hứng thú của du khách trên cơ sở các đặc điểm nổi bật của địa phương, trong đó có tuyến đường tuần tra biên giới. Đường tuần tra biên giới có chiều dài toàn tuyến 69 km trong đó huyện Đình Lập được giao quản lý 34,05 km, điểm đầu tại thôn Bản Chắt, xã Bính Xá - cách trung tâm huyện Đình Lập một giờ đồng hồ đi bằng ôtô, điểm cuối tại thôn Bắc Xa, xã Bắc Xa nối với tỉnh Quảng Ninh, toàn tuyến đã được bê tông hóa đảm bảo đi lại thuận tiện bốn mùa. Sau khi tham quan những điểm du lịch nổi tiếng xung quanh thành phố Lạng Sơn, du khách có thể lựa chọn việc thưởng thực ngắm nhìn phong cảnh hùng vĩ của núi rừng Đông Bắc hoặc khung cảnh mờ ảo và không khí se lạnh trong những ngày sương mù trên tuyến đường tuần tra biên giới của huyện Đình Lập và tiếp nối từ đây, du khách cũng có thể tiếp tục hành trình đến tỉnh Quảng Ninh để thăm quan các điểm du lịch nổi tiếng tại địa phương này. Đến với huyện Đình Lập, du khách sẽ có dịp thưởng thức các món đặc sản miền núi riêng biệt vô cùng tươi ngon theo các mùa trong năm như: Măng mai, Cua lông, Lợn rừng..., nhâm nhi những tách trà Ô Long, Bát Tiên, Ngọc Thúy thơm ngon được trồng ngay tại vùng chè thị trấn Nông Trường Thái Bình của huyện cùng với các loại hải sản tươi được vận chuyển đến trong ngày từ vùng biển tiếp giáp của tỉnh Quảng Ninh.

 Điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái xã Hữu Liên

Nằm ở phía Bắc huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, xã Hữu Liên có diện tích tự nhiên khoảng 6,6 nghìn ha, nằm trong thung lũng được bao quanh bởi những dãy núi đá vôi đa dạng sinh học thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Rừng đặc dụng Hữu Liên. Trong xã có khoảng 7 dân tộc cùng sinh sống chủ yếu là Kinh, Tày, Nùng, Dao… nơi vẫn lưu giữ được nguyên vẹn những phong tục tập quán và nét văn hóa truyền thống mang đậm đà bản sắc của người dân tộc bản địa. Chính vì vậy, trong những năm qua xã Hữu Liên đã thu hút một lượng du khách lớn, trong đó có cả khách nước ngoài từ các nước châu Âu, châu Úc, ASEAN để trải nghiệm và tìm hiểu về văn hóa bản địa đặc sắc của bà con của dân tộc thiểu số nơi đây. Điểm khác biệt rõ nét nhất của Hữu Liên với những điểm du lịch cộng đồng khác là hệ sinh thái đa dạng - rừng đặc dụng Hữu Liên với diện tích rừng tự nhiên lên đến 8,9 nghìn ha, trong đó có 02 khu rừng nguyên sinh với 776 loài thực vật và khoảng 30 loài thực vật quý hiếm đã được Nhà nước xếp vào sách đỏ, 409 loài động vật tự nhiên trong đó 61 loài động vật đã được Nhà nước xếp vào sách đỏ…Những thành phần loài động thực vật phong phú đã giúp cho rừng đặc dụng Hữu Liên trở thành đối tượng nghiên cứu đa dạng sinh học và bảo tồn sinh vật. Bên cạnh đó, do địa hình là những dãy núi đá vôi nên đã tạo cho Hữu Liên một hệ thống hang động hết sức phong phú và đa dạng. Cách trung tâm xã Hữu Liên 3 km là khu vực sinh thái Đồng Lâm có diện tích hàng trăm ha, gồm những cánh đồng cỏ rộng và nhiều thảm thực vật phong phú tạo nên một phong cảnh nên thơ, hữu tình làm say đắm biết bao du khách mỗi khi có dịp đến tham quan, du lịch. Đến với Hữu Liên, du khách vừa có thể kết hợp tìm hiểu bản sắc văn hóa, đời sống xã hội của người dân địa phương vừa có thể khám phá các thảm thực vật của khu rừng nguyên sinh đa dạng sinh học và thưởng ngoạn những phong cảnh hữu tình trong khu vực Đồng Lâm. Đặc biệt là vào mùa mưa, khoảng từ tháng 7 đến tháng 10 hằng năm, khi nước dâng cao phủ kín các cánh đồng cỏ tạo nên một không gian vô cùng kì vĩ, du khách cũng có thể tham quan và trải nghiệm các hoạt động vừa câu cá, chèo mảng vừa thưởng thức không khí trong lành của vùng sinh thái Đồng Lâm...

4-Huu Lien-a

Bên cạnh những phong cảnh tự nhiên, hoang sơ, dân dã, Hữu Liên còn có nhiều di sản văn hóa phi vật thể như hát Pá Xoan của dân tộc Dao, hát Nhà tơ (hát cửa đình), hát Then, diễn Chèo cổ, trang phục dân tộc Dao và các lễ hội đình, đền... do chính người dân bản địa biểu diễn để phục vụ các du khách khi có nhu cầu thưởng thức về nghệ thuật truyền thống. Ngoài ra, Hữu Liên còn lưu giữ được các di sản văn hóa vật thể như các Đình, Đền và một số hang động có giá trị khảo cổ, phục vụ cho mục đích nghiên cứu về lịch sử của dân tộc. Những cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp và ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường cảnh quan, giữ gìn, bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống đã tạo nên một không gian du lịch đậm đà bản sắc dân tộc.

Đến với Hữu Liên, du khách sẽ được trải nghiệm, nghỉ ngơi ngay trên những nhà sàn bằng gỗ mái ngói lợp âm dương truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, thưởng thức các loại đặc sản hấp dẫn được chế biến từ những nguyên liệu truyền thống tại địa phương nhâm nhi cùng ly rượu Ngô men lá của đồng bào người dân tộc Dao, tắm nước thảo dược có tác dụng chữa bệnh, phục hồi sức khoẻ hoặc trải nghiệm kỹ thuật đan lát, làm chổi truyền thống cùng với những người dân bản địa…Hiện đã có một số hộ gia đình có đầy đủ các điều kiện về nghỉ ngơi, ăn uống, công trình phụ trợ đảm bảo có thể đón tiếp được các đoàn khách du lịch trong và ngoài nước. Là khu vực còn giữ được đầy đủ sinh thái tự nhiên hoang sơ, nhưng Hữu Liên rất thuận lợi về hạ tầng thiết yếu gồm điện, nước, giao thông và thông tin liên lạc. Hiện nay xã Hữu Liên đã kết nối được hệ thống điện lưới quốc gia, nước sạch sinh hoạt được cung cấp đảm bảo, hệ thống thông tin liên lạc cũng được lắp đặt, kết nối và phủ sóng viễn thông rộng khắp trên địa bàn..., du khách khi đến với Hữu Liên sau đó có thể đi tiếp sang các huyện phụ cận như Bắc Sơn để tiếp tục thưởng thức và những trải nghiệm những điểm du lịch cộng đồng thú vị khác trong hành trình về với thiên nhiên của mình. Sự đa dạng của tự nhiên, sinh học cùng với bề dày văn hoá truyền thống tại Hữu Liên được bảo tồn nguyên vẹn chính là những giá trị văn hóa du lịch tiềm năng đang được chính quyền và người dân khơi dậy để phát triển các loại hình du lịch bền vững trong thời gian tới.

 Khu du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái núi Mẫu Sơn

Cách trung tâm thành phố Lạng Sơn khoảng chừng 30 km về phía Đông Bắc là quần thể núi Mẫu Sơn với trên 80 ngọn núi lớn nhỏ trùng điệp, độc đáo về cảnh quan thiên nhiên, cảnh sắc biến đổi theo mùa cùng với sự đa dạng về địa hình và sinh học đã tạo nên một không gian kỳ thú như cảnh tiên giáng trần, trở thành điểm du lịch lý tưởng cho du khách mỗi khi đến với mảnh đất biên cương Xứ Lạng. Với độ cao trên 1.500 m so với mặt nước biển, núi Mẫu Sơn là xứ sở của gió, mây và sương mù bao phủ, khí hậu mùa hè mát mẻ, thoáng đãng, còn mùa đông là nơi hội tụ của sương mù và băng tuyết. Đứng trên đỉnh Mẫu Sơn nhìn về phía Bắc du khách có thể ngắm nhìn cảnh quan kỳ vĩ của một vùng biên giới hai nước Việt – Trung, phía Tây là cánh cung đá vôi Bắc Sơn nổi tiếng, phía Đông hướng về bồn địa Na Dương – Lộc Bình. Từ thế kỷ trước, người Pháp đã sớm nhận ra những ưu thế của Mẫu Sơn và quy hoạch, xây dựng nơi đây thành khu nghỉ dưỡng trên núi, đến nay núi Mẫu Sơn vẫn còn lưu giữ được nhiều biệt thự cổ mang kiến trúc Pháp, là dấu tích của thị trấn châu Âu thu nhỏ từ xa xưa, vẻ đẹp Mẫu Sơn từ lâu còn được ví như nhan sắc của một nàng công chúa ngủ trong rừng. Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn với tổng diện tích quy hoạch trên 10 nghìn ha trở thành nơi lý tưởng để nghỉ dưỡng, thư giãn. Sức hấp dẫn không chỉ bởi cảnh quan tuyệt đẹp cùng bầu không khí quanh năm trong lành mà còn được hấp dẫn bởi không gian văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc Dao, Nùng sinh sống trong vùng. Du khách đến Mẫu Sơn có thể nghỉ tại những khu nhà được xây trên nền biệt thự Pháp mang đậm nét cổ kính hòa mình trong núi rừng của đất trời Xứ Lạng, cùng tận hưởng các dịch vụ lưu trú, ẩm thực, chăm sóc sức khỏe hoặc nghỉ ngơi, thư giãn…

1-nui Mau Son-a

Trong quần thể núi Mẫu Sơn có khu linh địa cổ rộng hàng trăm ha, với những dấu tích kiến trúc bằng đá tảng được mài nhẵn đã tồn tại trong khoảng từ nửa thế kỷ thứ X đến XVI, bên cạnh đó là núi Phặt Chỉ gồm những vạt rừng nguyên sinh và đồng cỏ thảo nguyên xanh thăm thẳm, là vùng đất thiêng của người Dao cùng với những dấu tích sinh hoạt tâm linh và những câu chuyện đậm màu sắc huyền thoại tồn tại hằng trăm năm nay cùng những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú của rừng hoa đỗ quyên, phong lan, thảm rêu và những cây cổ thụ hàng nghìn năm tuổi đã trở thành một trong những điểm du lịch sinh thái – tâm linh vô cùng hấp dẫn. Đến đây, những du khách hành hương quan tâm đến tín ngưỡng còn được thả mình trong một không gian thanh tịnh và yên tĩnh khi vừa leo bộ đường rừng lên các đền, chùa vừa được nghe những khúc nhạc thiền hay tiếng chuông chùa vọng lại từ xa. Khu tâm linh với đền Mẫu Thượng Ngàn và chùa Phật Chỉ cũng là một trong những địa chỉ linh thiêng cho du khách thập phương tìm đến hàng năm để cầu bình an, may mắn.

2-nui Mau Son-b

Đến với khu du lịch Mẫu Sơn, du khách cũng có thể đi thăm các bản làng người Dao quanh chân núi để tìm hiểu truyền thống sinh hoạt văn hóa đặc sắc được bảo tồn nguyên vẹn trong mỗi nếp nhà của người dân tộc nơi đây và ngắm những rừng đào, rừng chè cổ thụ, phong cảnh của núi cao trù phú và hoang sơ, chiêm ngưỡng những cây cổ thụ trong rừng nguyên sinh có tuổi đời hàng nghìn năm tuổi, thăm quan cơ sở sản xuất rượu và thưởng thức các món ẩm thực dân tộc trong vùng như gà sáu cựa, cá Hồi Mẫu Sơn, ếch hương, măng rừng cùng với nhiều loại rau rừng đặc sản của vùng sinh thái. Sau những chuyến dã ngoại trải nghiệm, du khách còn có thể tận hưởng cảm giác thú vị, sảng khoái trong bồn tắm nước lá thuốc dân gian của đồng bào dân tộc Dao vùng núi Mẫu Sơn để lưu thông khí huyết, làm giảm nhức mỏi cơ, khớp và nhiều công dụng rất tốt cho sức khỏe…

Với chủ trương xây dựng núi Mẫu Sơn phát triển thành một khu du lịch quốc gia, tỉnh Lạng Sơn hiện đã có nhiều cơ chế chính sách để thu hút, khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến hợp tác, xây dựng các hạng mục phù hợp với tiềm năng và nhu cầu phát triển du lịch của tỉnh như khu vui chơi giải trí với sân trượt tuyết nhân tạo và các trò chơi mạo hiểm, gần gũi với thiên nhiên; khu trung tâm thương mại, chợ vùng cao; khu khách sạn - nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn từ 3 sao đến 5 sao; khu tâm linh với đền Mẫu Thượng Ngàn và chùa Phật Chỉ…, trên cơ sở bảo tồn, phát huy các giá trị của tự nhiên, hướng tới xây dựng một khu du lịch sinh thái mang tính xã hội cao nhưng vẫn đảm bảo hài hòa với thiên nhiên và giữ được những nét bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.

 Chủ trương và nhu cầu hợp tác của tỉnh Lạng Sơn về phát triển các loại hình du lịch

 Với mục tiêu phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, thời gian qua tỉnh Lạng Sơn đã rất quan tâm đầu tư phát triển có trọng tâm về lĩnh vực du lịch, đặc biệt coi trọng phát triển bền vững du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa cộng đồng gắn với công tác quy hoạch, xây dựng hạ tầng, quảng bá thương hiệu, tăng cường liên kết vùng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tính chuyên nghiệp để tạo ra được những sản phẩm du lịch riêng biệt của địa phương.

Để thực hiện được mục tiêu trên, chủ trương của tỉnh là huy động mọi nguồn lực, trong đó bao gồm cả các nguồn lực từ bên ngoài như vốn, khoa học công nghệ và kinh nghiệm quản lý, đẩy mạnh xã hội hóa, hợp tác đối tác công –tư (PPP) để phát triển du lịch. Tỉnh hiện đang tập trung rà soát hoàn thiện cơ chế, dự kiến hoàn thành trong quý IV, năm 2017 với nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi, ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược có kinh nghiệm về phát triển du lịch trong và ngoài nước đến hợp tác, đầu tư trên địa bàn tỉnh. Hy vọng rằng trong thời gian tới với các cơ chế, chính sách ưu đãi thuận lợi nhất của tỉnh sẽ có nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm, hợp tác cùng triển khai nhiều dự án khơi dậy các tiềm năng du lịch vốn có của địa phương và mang đến cho các khu du lịch còn nhiều tiềm năng của tỉnh một diện mạo mới, qua đó tạo thương hiệu và điểm nhấn du lịch để thu hút du khách đến với Lạng Sơn, mang lại cơ hội mới cho ngành du lịch Lạng Sơn trong tiến trình hội nhập quốc tế.

      (Theo Trung tâm Thông tin và Dịch vụ đối ngoại – tỉnh Lạng Sơn)

Dòng sự kiện

Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn
Về khu tưởng niệm chiến tranh ở Kha-tưn, Cộng hòa Bê-la-rút.
THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI
Ngày Chiến thắng 9 tháng 5 rất đỗi thiêng liêng với mọi người dân Liên bang Nga.