Văn hóa - Xã hội

ÔNGA BÉCGÔN, “KHÔNG CÓ GÌ BỊ LÃNG QUÊN...”

Nhà văn, nhà báo Nga/Xô-viết Ônga Phêđôrốpna Béc-gôn được nhiều người Việt Nam yêu mến qua những bài thơ hay đã dịch ra tiếng Việt như “Lá rụng”, “Mùa Hè rớt”... và nhiều tác phẩm ngợi ca tình yêu, cảnh đẹp thiên nhiên, quê hương đất nước, tái hiện những năm tháng gian khổ, hào hùng của Chiến tranh Giữ nước Vĩ đại.

Nhưng có lẽ nhiều người không biết rằng, có một câu bất hủ đã trở thành tiêu đề của nhiều chương trình phát thanh, truyền hình và chương trình hành động xã hội ở Liên Xô, ở nước Nga nhằm tri ân những người đã hiến xương máu cho Chiến thắng vĩ đại - “Không ai bị lãng quên, không có gì bị lãng quên” - cũng thuộc về Ônga Bécgôn.

Ônga Bécgôn (Ольга Федоровна Берггольц) sinh năm 1910 ở Pêtécbua, trong gia đình một bác sĩ ở nhà máy. Năm 1924, Ônga bắt đầu có thơ đăng trên tờ báo tường của nhà máy này. Năm 1925, Ônga gia nhập nhóm văn chương thanh niên “Thế hệ” và vào đầu năm 1926 bắt đầu quen thân nhà thơ trẻ Bôrít Coócnilốp, sau đó một thời gian hai người kết hôn, rồi con gái đầu lòng Ira ra đời. Năm 1930, Ônga tốt nghiệp khoa ngữ văn Đại học tổng hợp Lêningrát và được phân công công tác tại Cadắcxtan, làm phóng viên của tờ “Đồng cỏ xôviết”. Thời gian này, sau khi ly hôn với Coócnilốp, Ônga lấy Nicôlai Môntranốp, một người bạn học ở ĐH tổng hợp. Khi từ Anma Atư trở về Lêningrát, Ônga phụ trách trang thanh niên của tờ báo nhà máy động cơ điện. Làm việc ở đây 3 năm, Ônga chuyển sang báo “Lêningrát văn học”. Vài năm sau, Maia, con gái thứ hai của Ônga chết, rồi hai năm sau con gái đầu Ira cũng mất.

Tháng 12/1938, Ônga Bécgôn bị kết án oan sai, phải ngồi tù trong khi đang mang thai, đến tháng 6/1939 được trả tự do, nhưng cái thai không giữ được.

Nghia trang Pixcariốpxcôe ở Xanh Pêtécbua

Nghia trang Pixcariốpxcôe ở Xanh Pêtécbua

Trong những năm Lêningrát bị phátxít Đức vây hãm (1941-1943), Ônga Bécgôn vẫn công tác ở thành phố này. Tháng 11/1941, chồng Ônga, Nicôlai Môntranốp, qua đời sau một thời gian ốm nặng. Ônga làm việc ở ban văn nghệ đài phát thanh Lêningrát. Giọng đọc trong trẻo, nhẹ nhàng của Ôn-ga vang lên hàng ngày trên đài đã nhanh chóng trở thành một giọng đọc gần gũi, thân thương với các gia đình và chiến sĩ trong những ngày đạn bom khốc liệt, trở thành tiếng nói của Lêningrát. Từ chỗ chỉ là tác giả của những bài thơ chưa mấy ai biết, Ônga Bécgôn bỗng trở thành một thi sĩ biểu tượng cho tinh thần ngoan cường của thành phố bên sông Nêva. Ônga đã làm việc tại đài phát thanh Lêningrát suốt 900 ngày đêm thành phố bị vây hãm, những bài thơ, bài ký của Ônga về sau được in thành cuốn “Tiếng nói Lêningrát”. Với những đóng góp to lớn của mình vào nền văn học, báo chí và vào cuộc kháng chiến chống phátxít, Ônga Bécgôn đã được tặng Huân chương Lênin, Huân chương Cờ đỏ Lao động và nhiều Huy chương khác.

Ônga Bécgôn qua đời ngày 13/11/1975.

Nữ thi sĩ để lại nhiều trường ca, thơ, truyện ngắn, truyện vừa, kịch, bút ký, các bài báo chính luận... được ấn hành thành nhiều tuyển tập từ năm 1932 đến năm 1968 và được tái bản nhiều lần, được dịch ra nhiều thứ tiếng. Tại nghĩa trang - khu tưởng niệm chiến tranh Pixcariốpxcôie ở Lêningrát, trên bức tường đá trung tâm có khắc dòng chữ “Không ai bị lãng quên, không có gì bị lãng quên”. Đó chính là lời của Ônga Bécgôn.

                                                                                               THÁI YÊN

La rung 2

LÁ RƠI

 Mùa Thu, tại Mát-xcơ-va người ta treo ở các đại lộ những tấm biển ghi dòng chữ "Hãy cẩn trọng, lá rơi!"

                                                V. L

Mùa Thu, mùa Thu! Trời Mát-xcơ-va

đàn sếu bay trong chiều sương khói toả,

Những khu vườn cũ

Ánh vàng muôn sắc lá,

Những tấm biển dọc theo phố xá

Nhắc những ai đi qua

Đơn lẻ hay sóng đôi:

"Hãy cẩn trọng, lá rơi!"

Ôi trái tim đơn côi

Trên phố phường xa lạ!

Khẽ run trong buốt giá,

Bên khung cửa sáng đèn.

Ở đây, ta còn ai gọi tên,

Ta cần ai để vui lên, thân thiết?

Vì sao phải da diết:

"Hãy cẩn trọng, lá rơi?"

Trước đã không cần rồi,

Giờ có gì để mất:

Anh là người thân nhất

Bây giờ bạn cũng không?

Em cứ ngẫm trong lòng

Rằng chia xa vĩnh viễn,

Buồn đau và bất hạnh,

một con người đơn côi?

Thiếu chừng mực ư, trò cười ư?

Hãy kiên tâm mà vượt qua, chờ đợi

Đau đớn quá, dịu dàng ta đánh đổi

lời chia tay buồn như mưa rơi.

Cơn mưa đêm ủ ấm lại lòng ta

Tia chớp nhỏ sáng một thời đã có.

Hãy vui lên anh, hãy là người hạnh phúc!

Dẫu cuộc chia ly buồn day dứt trong mưa ...

... Một mình em ra ga,

Chẳng cần chi tiễn biệt,

Em và anh những điều chưa nói hết

Giữa lúc này chẳng thể có gì thêm...

Lối nhỏ tràn bóng đêm,

Những tấm biển kia lại nhắc

những ai cô đơn chầm chậm bước:

"Hãy cẩn trọng, lá rơi!"

                                  (Thu Hà dịch)

         

                                                                        Ольга Берггольц , 1960

Dòng sự kiện

Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn
Về khu tưởng niệm chiến tranh ở Kha-tưn, Cộng hòa Bê-la-rút.
THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI
Ngày Chiến thắng 9 tháng 5 rất đỗi thiêng liêng với mọi người dân Liên bang Nga.