Tin tức - Hoạt động

QUY CHẾ XÉT TẶNG KỶ NIỆM CHƯƠNG HỘI HỮU NGHỊ VIỆT NAM-LB NGA

Ngày 08/6/2020, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Nga Trần Bình Minh ký Quyết định số 33 /QĐ-VNTƯ ban hành Quy chế xét tặng Kỷ niệm chương Hội Hữu nghị Việt-Nga. Sau đây là toàn văn Quy chế.

HỘI HỮU NGHỊ                                                    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

VIỆT NAM - LIÊN BANG NGA                                            Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

       

QUY CHẾ XÉT TẶNG

KỶ NIỆM CHƯƠNG HỘI HỮU NGHỊ VIỆT NAM-LB NGA

(Ban hành kèm theo Quyết định số  33 /QĐ-VNTƯ ngày 08/6/2020   của Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Nga)

 Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Kỷ niệm chương Hội Hữu nghị Việt Nam-Liên bang Nga (dưới đây gọi là Kỷ niệm chương) là phần thưởng cao quý nhất của Hội, trao tặng các cá nhân là người Việt Nam và người nước ngoài có nhiều đóng góp vào hoạt động của Hội; vào việc gìn giữ, phát triển, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt-Nga.

Điều 2. Kỷ niệm chương

1. Kỷ niệm chương gồm huy hiệu Kỷ niệm chương và Giấy chứng nhận tặng Kỷ niệm chương do Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Nga, hoặc người được Chủ tịch Hội ủy quyền, ký.

2. Việc xét tặng Kỷ niệm chương được tiến hành hàng năm vào dịp kỷ niệm Ngày truyền  thống  Hội Hữu nghị Việt-Nga (23 tháng 5), trừ trường hợp xét tặng đột xuất theo quyết định của Chủ tịch Hội.

Điều 3. Nguyên tắc xét tặng Kỷ niệm chương

1. Kỷ niệm chương chỉ xét tặng một lần cho cá nhân; không có hình thức truy tặng.

2. Việc xét tặng Kỷ niệm chương phải bảo đảm công bằng, dân chủ, công khai, đúng đối tượng và tiêu chuẩn.

Điều 4. Quyền và nghĩa vụ của người được tặng Kỷ niệm chương:

1. Người được tặng Kỷ niệm chương được nhận Huy hiệu Kỷ niệm chương và Giấy chứng nhận tặng Kỷ niệm chương.

2. Được sử dụng Kỷ niệm chương vào mục đích tuyên truyền, giáo dục về truyền thống của Hội; góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cá nhân đối với sự phát triển Hội.

3. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của hồ sơ đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương.

4. Giữ gìn, bảo quản tốt Kỷ niệm chương, không được cho mượn Kỷ niệm chương.

QD ban hanh Quy che Ky niem chuong Hoi Viet-Nga (1)_001

 Chương II

ĐỐI TƯỢNG VÀ TIÊU CHUẨN XÉT TẶNG KỶ NIỆM CHƯƠNG

Điều 5. Đối tượng được xét tặng Kỷ niệm chương:

1. Công dân Việt Nam là hội viên Hội Hữu nghị Việt-Nga.

2. Công dân Việt Nam không phải là hội viên Hội Hữu nghị Việt-Nga.

3. Công dân Liên bang Nga.

4. Công dân các nước khác.

Điều 6. Những người sau đây không được và chưa được xét tặng Kỷ niệm chương:

1. Những người trong quá trình công tác hoặc tham gia hoạt động của Hội  đã bị Tòa án phạt tù giam, bị kỷ luật buộc thôi việc, sa thải hoặc xóa tên khỏi danh sách của tổ chức thì không được xét tặng Kỷ niệm chương.

2. Những người đang trong thời gian chịu các hình thức kỷ luật từ khiển trách trở lên tại đơn vị công tác của mình, đang bị thanh tra hoặc bị các cơ quan pháp luật quản thúc, điều tra, khởi tố tại thời điểm xét tặng Kỷ niệm chương thì chưa được tặng Kỷ niệm chương.

Điều 7. Tiêu chuẩn xét tặng Kỷ niệm chương đối với công dân Việt Nam là hội viên Hội Hữu nghị Việt-Nga:

- Chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Điều lệ Hội và những quy định của Hội Hữu nghị Việt-Nga.

- Có thành tích xuất sắc trong hoạt động hội.

- Có nhiều đóng góp vào việc gìn giữ, phát triển, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt-Nga.

- Có thời gian hoạt động hội liên tục 10 năm trở lên.

- Là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Trung ương Hội, Tổng thư ký Hội; Chủ tịch danh dự Hội; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội địa phương và Chi hội trực thuộc Trung ương Hội từ một nhiệm kỳ trở lên.

- Là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Hội, Ban Kiểm tra Hội hai nhiệm kỳ liên tục.

- Là hội viên trên 75 tuổi tích cực hoạt động hội từ 5 năm trở lên.

Điều 8. Tiêu chuẩn xét tặng Kỷ niệm chương đối với công dân Việt Nam không phải là hội viên Hội Hữu nghị Việt-Nga:

- Có nhiều đóng góp vào hoạt động của Hội Hữu nghị Việt-Nga.

- Có nhiều đóng góp vào việc gìn giữ, phát triển, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt-Nga.

- Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, Ngành, đoàn thể Trung ương; lãnh đạo đảng bộ, chính quyền, cơ quan, tổ chức của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ Hội Hữu nghị Việt-Nga.

- Các nhà tài trợ có đóng góp quan trọng cho Hội Hữu nghị Việt-Nga.

Điều 9. Tiêu chuẩn xét tặng Kỷ niệm chương đối với công dân Liên bang Nga:

1. Cán bộ lãnh đạo và hội viên Hội Hữu nghị Nga-Việt có nhiều đóng góp vào hoạt động của Hội Hữu nghị Nga-Việt.

2. Công dân Liên bang Nga không phải là hội viên Hội Hữu nghị Nga-Việt có nhiều đóng góp vào hoạt động của Hội Hữu nghị Nga-Việt; vào việc gìn giữ, phát triển, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác Nga-Việt; giúp đỡ cộng đồng người Việt Nam tại LB Nga.

Điều 10. Tiêu chuẩn xét tặng Kỷ niệm chương đối với công dân những nước khác:

-  Có nhiều đóng góp vào hoạt động của Hội Hữu nghị Việt-Nga, Hội Hữu nghị Nga-Việt.

-  Có nhiều đóng góp vào việc phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt-Nga.

 Chương III

QUY TRÌNH VÀ THỦ TỤC XÉT TẶNG KỶ NIỆM CHƯƠNG

Điều 11. Hồ sơ xét tặng Kỷ niệm chương:

1. Đối với cá nhân là công dân Việt Nam, hội viên Hội Hữu nghị Việt-Nga:

- Tờ trình của tổ chức hội trực thuộc Trung ương Hội Hữu nghị Việt-Nga.  

- Báo cáo tóm tắt thành tích và quá trình công tác của cá nhân.

2. Đối với cá nhân là công dân Việt Nam, không phải là hội viên Hội Hữu nghị Việt-Nga:

Văn bản của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội, Tổng thư ký Hội đề nghị xét tặng.

3. Đối với cá nhân là công dân LB Nga:

Văn bản đề nghị xét tặng của Hội Hữu nghị Nga-Việt, Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga hoặc các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

4. Đối với cá nhân là công dân những nước khác:

Văn bản đề nghị xét tặng của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội, Tổng thư ký Hội; của Hội Hữu nghị Nga-Việt; của Đại sứ quán Việt Nam tại nước hữu quan hoặc các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

Điều 12. Quy trình xét tặng Kỷ niệm chương

1.  Ban Thư ký Hội thẩm định hồ sơ đề nghị xét tặng, trình Ban Thường vụ Hội cho ý kiến.

2.  Khi có ít nhất 2/3 số Ủy viên Ban Thường vụ Hội đồng ý với đề nghị xét tặng, Tổng thư ký Hội trình Chủ tịch Hội xem xét, quyết định.

Điều 13. Trao tặng Kỷ niệm chương

Kỷ niệm chương Hội Hữu nghị Việt-Nga do Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội hoặc người đứng đầu tổ chức trực thuộc Trung ương Hội được Chủ tịch Hội ủy quyền, trao tặng.

Điều 14. Xử lý vi phạm.

Trường hợp người đã được tặng Kỷ niệm chương sau đó phát hiện có sai phạm về tiêu chuẩn trong xét tặng Kỷ niệm chương thì bị thu hồi Kỷ niệm chương. Tổng thư ký Hội có trách nhiệm báo cáo Chủ tịch Hội thực hiện việc thu hồi Kỷ niệm chương.

  Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 Điều 15. Tổ chức thực hiện

1. Ban thư ký Hội có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Quy chế này và thẩm định hồ sơ đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương trình Ban Thường vụ Hội xem xét, cho ý kiến sau đó trình Chủ tịch Hội xem xét, quyết định.

2. Người đứng đầu các tổ chức trực thuộc Trung ương Hội chịu trách nhiệm phổ biến nội dung Quy chế này cho toàn thể hội viên thuộc đơn vị mình.

3. Người đứng đầu các tổ chức trực thuộc Trung ương Hội có trách nhiệm đề nghị tặng Kỷ niệm chương cho cán bộ, hội viên của đơn vị mình đủ tiêu chuẩn tặng Kỷ niệm chương và thực hiện đúng quy trình, thủ tục xét tặng Kỷ niệm chương.

4. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các tổ chức trực thuộc Trung ương Hội phản ánh về Ban Thư ký Hội để báo cáo Ban Thường vụ Hội xem xét, cho ý kiến và trình Chủ tịch Hội xem xét, quyết định.

                                                                                  CHỦ TỊCH

                                                                                Trần Bình Minh                 

                                                                                        (đã ký) 

Dòng sự kiện

Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn
Về khu tưởng niệm chiến tranh ở Kha-tưn, Cộng hòa Bê-la-rút.
THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI
Ngày Chiến thắng 9 tháng 5 rất đỗi thiêng liêng với mọi người dân Liên bang Nga.