Tin tức - Hoạt động

TẠI SOCHI, ĐẠI HỘI ĐỐI THOẠI DÂN TỘC SYRIA THÔNG QUA TUYÊN BỐ 12 ĐIỂM

Các đại biểu dự Đại hội đã nhất trí về danh sách Ủy ban soạn thảo Hiến pháp gồm 150 thành viên là những đại diện phía Chính phủ, phe đối lập "xây dựng" trong nước và phe đối lập Syria ở ngoài nước.

Rạng sáng 31/1 theo giờ Việt Nam, Đại hội Đối thoại dân tộc Syria do Nga bảo trợ diễn ra tại Sochi đã bế mạc và thông qua ba văn kiện, trong đó có Tuyên bố 12 điểm.

Đại hội Đối thoại dân tộc Syria tại thành phố Sochi (LB Nga)

Đại hội Đối thoại dân tộc Syria tại thành phố Sochi (LB Nga)

Syria cần phải trở thành quốc gia dân chủ và người dân có quyền quyết định tương lai của mình - đó là một trong những nội dung chính của bản Tuyên bố.

Tuyên bố nêu rõ nước Cộng hòa Arab Syria phải trở thành một quốc gia dân chủ và không bè phái, dựa trên nguyên tắc đa nguyên chính trị và bình đẳng giữa các công dân, không phụ thuộc vào tôn giáo, sắc tộc và giới tính; triệt để tôn trọng và bảo vệ tính tối thượng của pháp luật; phân chia quyền lực; hệ thống tư pháp độc lập; đa dạng văn hóa trong xã hội Syria; bảo đảm tự do xã hội, kể cả tự do tín ngưỡng; chống tội phạm, tham nhũng và lạm dụng quyền lực.

Tuyên bố khẳng định cam kết của những người tham dự Đại hội bảo đảm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria; không thể có sự nhượng bộ nào liên quan bất kỳ phần lãnh thổ quốc gia nào của Syria; nhân dân Syria vẫn cam kết với việc lấy lại bằng những biện pháp hợp pháp, phù hợp Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, cao nguyên Golan của Syri đang bị chiếm đóng.

Tuyên bố nêu rõ “Syria phải có vai trò đầy đủ trong cộng đồng quốc tế và trong khu vực, kể cả vai trò là một phần của thế giới A rập, phù hợp Hiến chương Liên hợp quốc, những nguyên tắc và mục tiêu của bản Hiến chương này”.

Tuyên bố cũng nhấn mạnh rằng chỉ người dân Syria mới “quyết định được tương lai đất nước của mình bằng các phương tiện dân chủ, bằng con đường bầu cử và cần phải có đặc quyền quyết định thể chế chính trị, kinh tế và xã hội mà không bị áp lực hay can thiệp từ bên ngoài, phù hợp quyền và nghĩa vụ quốc tế của Syria. Ngoài bản Tuyên bố, Đại hội đã thông qua thư kêu gọi của các đại biểu tham dự đại hội và danh sách ứng cử viên tham gia Ủy ban nghiên cứu soạn thảo Hiến pháp Syria. Danh sách này gồm 150 người (100 người từ phía Chính phủ, có tính đến phe đối lập ôn hòa và 50 người từ phía phe đối lập ở ngoài nước). Ủy ban này phối hợp Phái viên đặc biệt của Liên hợp quốc Staffan de Mistura sẽ đưa ra các đề xuất đối với dự thảo Hiến pháp mới của Syria.

Đại diện Chính phủ Syria (bên trái) và Phái viên của Tổng thống Nga về Syria tại Đại hội

Đại diện Chính phủ Syria (bên trái) và Phái viên của Tổng thống Nga về Syria tại Đại hội

Phát biểu tại phiên bế mạc, ông Staffan de Mistura đã xác nhận điều này. Trong khi đó Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov khẳng định Ủy ban hiến pháp sẽ hoạt động tại Geneva theo tinh thần Nghị quyết 2254 của Liên hợp quốc. Ông cũng tuyên bố Đại hội Đối thoại dân tộc Syria là bước tiến quan trọng đầu tiên trong việc hòa giải dân tộc ở quốc gia Trung Đông này và nhìn chung đã thành công.

Gần 1.400 đại diện các tầng lớp xã hội Syria tham dự Đại hội Đối thoại dân tộc Syria tại Sochi. Nhiều tổ chức quốc tế, khu vực được mời tham dự với tư cách quan sát viên.

Sau Đại hội lần này tại Sochi, cuộc thương lượng tại Geneva về Syria sẽ được nối lại. Theo các giới chính trị và giới quan sát, Đại hội Đối thoại dân tộc Syria tại Sochi vừa bế mạc được coi là Sochi 1 và tới đây có thể sẽ có Sochi 2, Sochi 3 nhằm tiếp tục tìm kiếm giải pháp lâu dài, bền vững cho “hồ sơ Syria”.

(Theo TASS và Vietnam Plus, TTXVN)

Dòng sự kiện

Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn
Về khu tưởng niệm chiến tranh ở Kha-tưn, Cộng hòa Bê-la-rút.
THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI
Ngày Chiến thắng 9 tháng 5 rất đỗi thiêng liêng với mọi người dân Liên bang Nga.