Văn hóa - Xã hội

KHOẢNG LẶNG QUÝ CỦA BẦY CHIM HỌA MI

“Chim họa mi” là một trong những bài hát nổi tiếng nhất thời Chiến tranh giữ nước vĩ đại của nhân dân Liên Xô.

        "Соловьи, соловьи, не тревожьте солдат, Пусть солдаты немного поспят..."

       Hai câu thơ trên của nhà thơ Alếchxây Phatianốp được chọn làm điệp khúc và để mở đầu bài Сhim họa mi, một cách mở đầu khác thường. Giai điệu mượt mà do nhạc sĩ Vaxili Xôlôviốp-Xêđôi viết là lời nhắc chim họa mi: 

       "Họa mi ơi, đừng hót nhé! Hãy để người lính ngủ thêm chút thôi..."

       Sáng tạo nghệ thuật chung giữa nhạc sĩ Xôlôviốp-Xêđôi và nhà thơ Phatianốp đã để lại nhiều ca khúc khó quên, trong số đó có "Bởi vì chúng ta là phi công"(Потому, что мы пилоты), "Giờ này các anh ở đâu, những người đồng đội?" (Где же вы теперь, друзья-однополчане?).....

       Vào năm 1942 khốc liệt, nhà thơ - phóng viên chiến trường Phatianốp mới 23 tuổi chấp bút viết bài "Сhim họa mi". Ông kể lại:

      "Tôi nhớ những ngày ở mặt trận. Có những lúc lính tráng chúng tôi nằm lặng yên trong lùm cây xanh sau một trận đánh, vừa im tiếng súng. Khi tiếng gầm rú của máy bay địch tan đi, chợt nghe thấy chim họa mi cất tiếng hót, như thể chúng đang thi nhau khẳng định đang còn sống! Và thế là có lời cho bài "Mùa xuân đến cùng ta trên chiến hào" (là tên gốc của bài hát Сhim họa mi)”. Khi viết mỗi bài thơ, Phatianốp cũng thường nghĩ cho chúng một giai điệu nào đó để hát lên thay vì đọc thơ.

Nhà thơ Phatianốp

Nhà thơ Phatianốp

  Sau khi bị thuơng ở tay, cuối tháng 12 năm 1944 Phatianốp được nghỉ phép đón năm mới và về thủ đô. Ông gặp nhạc sĩ Xôlôviốp-Xêđôi ở khách sạn "Mátxcơva" và đọc thơ cho nhạc sĩ nghe, trong đó có bài Сhim họa mi. Nhạc sĩ hỏi kỹ về bài thơ này và Phatianốp kể lại rằng, có một lần dàn quân nhạc đến nơi ông đang đóng quân biểu diễn. Một người lính đã luống tuổi nói: "Họa mi" lại đến rồi, lại không cho người ta ngủ đây!". Giấc ngủ đối với người lính ở chiến trường được coi là vô cùng quý giá, cũng giống như thuốc lá… Trong khi kể chuyện, nhà thơ để ý thấy có lúc người đối thoại với mình không chú ý nghe. Có vẻ như ông tự thu mình lại, nhưng thật ra lúc đó nhạc sĩ đã nghĩ được giai điệu cho câu thơ lấy làm điệp khúc của bài.

  Đêm đó nhạc sĩ Xôlôviốp-Xêđôi không ngủ, rồi đêm sau nữa, ông thức để sáng tác. Sau khi nghe xong, Phatianốp rất phấn khởi và tập họp mọi người trong khách sạn lại để chia sẻ và cùng nhạc sĩ song ca bài này. 

Câu đầu bài hát còn chứa đựng một sự thú vị khác. Trong nguyên bản, theo lời kể của một nhà thơ, được ghi là:

    "Соловьи, соловьи, не тревожьте ребят..."

Nhưng khi nghe bài hát ngay tại khách sạn Mátxcơva, tướng Xôcôlốp đề nghị thay từ "ребят" (các bạn) bằng "солдат" (người lính). Các tác giả không đồng ý ngay vì từ "солдат" lúc đó không được coi là thịnh hành vì người ta gọi binh sĩ xôviết là các chiến binh (бойцы). Nhưng "người lính" chính là từ chung nhất giữa "sĩ quan" và "lính trơn", vì khi ra trận tất cả đều là lính. Và cuối cùng từ "солдат" đã được chọn.

  Bài hát ngay lập tức được phổ biến rộng rãi và thu hút đông đảo người yêu thích, trong đó có nguyên soái Giucốp. Nhà cầm quân huyền thoại này cho rằng “Сhim họa mi”, “Cuộc chiến tranh thần thánh” và “Ôi, những con đường” là những ca khúc bất tử về một thời đạn bom nhưng hào hùng. 

Để một bài hát được công chúng chấp nhận, yêu thích và nhớ tới thì không những  nó phải được trình diễn đơn thuần mà phải được hát bằng cả trái tim và tâm hồn. Сhim họa mi thật sự may mắn khi được một ca sĩ tuyệt vời chuyển tải tới khán giả - đó là nghệ sĩ G. Vinôgrađốp.

Bài hát Сhim họa mi được ông trình diễn cùng dàn nhạc Hồng quân năm 1945 xa xưa có lẽ cho đến nay vẫn còn là một ví dụ vượt trội về độ sâu cảm nhận của ca sĩ về ý tưởng sáng tạo của tác giả.

Năm 1959, nhà thơ Alếchxây Phatianốp qua đời khi mới 40 tuổi. Tại đám tang ông, bài Сhim họa mi đã vang lên đưa tiễn con người tài ba này. 

                                                                            HỒ BÌNH MINH

Dòng sự kiện

Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn
Về khu tưởng niệm chiến tranh ở Kha-tưn, Cộng hòa Bê-la-rút.
THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI
Ngày Chiến thắng 9 tháng 5 rất đỗi thiêng liêng với mọi người dân Liên bang Nga.