Tin tức - Hoạt động

NGÔI NHÀ BẠCH DƯƠNG

Thành lập từ năm 2008, đến nay Câu lạc bộ Bạch Dương mà nhiều hội viên quen gọi là Ngôi nhà Bạch Dương đã lần lượt thu hút hàng trăm hội viên đến sinh hoạt.

   Cứ đều đặn từ 5 giờ rưỡi chiều thứ Tư hàng tuần, nếu có dịp đi qua tòa nhà bốn tầng mái xanh  ở góc phố Kim Mã - Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội), bạn sẽ nghe vọng  ra tiếng  dương cầm thánh thót hòa cùng  giai điệu  du dương của dàn đồng ca đang ôn luyện  những bài hát  Nga. Đó là buổi tập thường  kỳ của Câu lạc  bộ hát tiếng  Nga mang tên Bạch Dương tại Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga ở Hà Nội.

IMG_9724

          Thành lập từ năm 2008, đến nay Câu lạc bộ Bạch Dương mà nhiều hội viên quen gọi là  Ngôi nhà Bạch Dương  đã lần  lượt thu hút hàng trăm hội viên đến sinh hoạt. Đây là một diễn đàn ca hát quần  chúng  mở và tự nguyện với tiêu chí đơn giản là  yêu nước Nga, yêu văn hóa  Nga có nền âm nhạc  nổi  tiếng  với  những  bài  hát Nga “đi  cùng  năm tháng”, những  “giai điệu  tự  hào”, từ đó  góp phần vun đắp tình hữu nghị  truyền thống  Việt - Nga.  Sự  ra đời  của Câu lạc bộ đã đáp ứng phần nào mong muốn được hát lại các ca khúc Nga của nhiều cựu lưu học  sinh và  cán bộ  đã từng được  đào tạo, công tác ở Liên Xô và LB Nga, đồng thời  thu hút  sự  tham gia của nhiều hội  viên chưa từng đặt chân  đến nước  Nga nhưng có chung tình yêu dành  cho nước Nga, tiếng Nga và lòng  đam mê những giai điệu Nga.

           Ngược dòng thời gian, nhắc đến Ngôi nhà Bạch Dương thì không thể quên những thành viên sáng lập đầy tâm  huyết: dịch giả Thúy Toàn, các giảng viên Khoa tiếng  Nga trường Đại học Hà Nội như thầy Phan Văn Bích, Lê Văn Nhân, Lê  Đức Mẫn cùng các thành viên tích cực như cô Thanh, cô Thúy, các cựu sỹ quan quân đội như anh Nguyễn Ngọc Quý,  Huỳnh Lương  Nghĩa… Mấy năm qua, được sự hướng dẫn nhiệt tình của thầy Phan Văn Bích, Câu lạc bộ đã truyền dạy và dàn  dựng cho các học viên hơn năm mươi ca khúc Nga nổi tiếng, với các  đề tài về Tổ quốc, quê hương, con người, về  cuộc chiến tranh vệ quốc, về tình bạn, tình yêu. Nhiều buổi biểu diễn của Câu lạc bộ được hoan nghênh nhiệt liệt tại các sự kiện văn hóa, chính trị do  các cơ quan Nga và Việt Nam tổ chức.  Anh chị em hội viên rất phấn khởi  nhận được sự hỗ trợ về tinh thần và điều  kiện sinh hoạt của Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga và của Đại sứ quán Liên bang Nga tại Hà Nội. Một hội trường lớn khang trang, có sân khấu và đàn piano tại Trung tâm được dành làm nơi sinh hoạt mỗi  tuần một lần cho Câu lạc bộ.

Cau lac bo Bach Duong 1

         Đầu năm 2015, sau sự ra đi đột ngột vì  một cơn tai biến của Chủ nhiệm Câu lạc bộ là nhạc sỹ Phan Văn Bích, Câu lạc bộ Bạch Dương tiếp tục nhận được sự hỗ trợ hiệu quả của  bà Ê-lê-na Dúp-xô-va, Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga. Rất hiểu Việt Nam và thạo tiếng  Việt, người phụ nữ duyên dáng này ngay từ những ngày đầu sang công tác  nhiệm kỳ đã tranh thủ dự nhiều buổi ôn luyện bài hát Nga của Câu lạc bộ và động viên cổ vũ anh chị em. Trong năm 2015, bà Dúp-xô-va đã  tích cực đứng ra tổ chức nhiều sự kiện văn hóa lớn nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị  Nga - Việt, với  sự tham gia biểu diễn của Câu lạc bộ.   

       Đặc biệt, Ngôi nhà Bạch Dương như được đón  một  làn gió tươi mát mới  kể từ  khi  có sự  tham gia huấn luyện của  cặp vợ chồng nghệ  sỹ Tôn Thất Triêm - Xuân Thanh. Các buổi sinh hoạt từ  đây ngày càng trở nên hấp dẫn, đông người tham gia. Đã từng tu nghiệp tại Nhạc viện danh tiếng Trai-cốp-xki,  thầy Triêm và cô Thanh, khi hướng dẫn hát cho Ngôi nhà Bạch Dương, luôn truyền cho các học viên nguồn cảm hứng, say mê những giai điệu Nga, giúp hiểu kỹ nội dung ca khúc và thể hiện tinh tế cảm xúc khi hát. Vì vậy, mỗi lần cất tiếng ca lên  những bài hát này, dù về  các chủ đề khác nhau, nhiều học viên đều cảm nhận được vẻ đẹp của âm nhạc Nga, của tâm hồn  Nga đầy tình  người và rất gần gũi với tâm hồn Việt.

       Còn rất nhiều điều lý thú về hoạt động của Ngôi nhà Bạch Dương. Muốn tìm hiểu thêm hoặc đăng ký tham gia, mời các bạn hãy đến Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga, số 501 Kim Mã, Hà Nội, vào 17 g 30 Thứ Tư hàng tuần, hoặc liên hệ theo địa chỉ của Ban Chủ nhiệm là :

             Ông Nguyễn Ngọc Quý ( Chủ nhiệm) : [email protected]

        Ông Trương Thế Phong ( Ban Văn nghệ): [email protected]

       Điều đó đã tạo cảm hứng cho một số học viên của Câu lạc bộ gần  đây muốn  làm một cái gì đó để truyền bá nội dung ca khúc Nga cho người Việt, qua việc  phỏng dịch một số ca khúc Nga chưa được dịch lời. Chẳng hạn, bạn Hoàng Lâm,   một  hội viên và  là  nữ  giáo viên tiếng Anh, đã dịch ra lời Việt nội  dung ca khúc “Cỗ xe tam mã”, một  bài hát quen thuộc đậm chất dân ca Nga, được  các hội  viên rất hoan nghênh. 

                                                                                                            THANH LIÊM

 Bình luận

Dòng sự kiện

Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn Vọng mãi tiếng chuông làng Kha-tưn
Về khu tưởng niệm chiến tranh ở Kha-tưn, Cộng hòa Bê-la-rút.
THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI THIÊNG LIÊNG CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI
Ngày Chiến thắng 9 tháng 5 rất đỗi thiêng liêng với mọi người dân Liên bang Nga.